Đọc tài liệu

“Sống và chia sẻ những gì là căn bản của người Kitô hữu”

Giuse Thẩm Nguyễn

Trước khi đi sâu vào đề tài này, tưởng cũng cần phải nhìn lại hai chủ đề trước là “Tâm Tưởng” và “Bản chất và Mục đích”. Cả hai đều nhấn mạnh đến việc “Thiên Chúa yêu thương tôi” một cách nhưng không, vô điều kiện và từ đó tôi ngạc nhiên về những điều kỳ diệu xảy ra trong đời. Khi được yêu, tôi thấy mình hạnh phúc và chính cái hạnh phúc ấy, giống như ánh sáng không thể che giấu được, giúp tôi có thể yêu người khác và muốn chia sẻ niềm hạnh phúc được Thiên Chúa yêu thương cho họ.

Mục đích của PT Cursillo là loan truyền tình yêu của Chúa cho con người, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) qua tình bạn. Để làm được điều đó, thì tôi phải tự thánh hóa bản thân. Thánh hóa bản thân không phải chỉ là một giai đoạn, hay tham dự một khóa học, mà là chính cuộc sống để trở nên người Kitô hữu đích thực.

Có người dị ứng với cụm từ “Kitô hữu đích thực” và người ta đặt câu hỏi rằng vậy thì những người không phải là Cursillista, họ là Kitô hữu giả hay sao. Không phải vậy, danh từ “Kitô hữu” nghĩa là có Đức Kitô, mang danh Đức Kitô. Còn chữ “đích thực” ở đây được hiểu là gắn bó với Chúa nhiều hơn, hôm nay yêu hơn hôm qua. Sự khao khát đích thực ấy giúp tôi luôn cố gắng sống mật thiết với Chúa, gắn bó và yêu Chúa hơn.

Những chân lý căn bản để trở thành người Kitô hữu:

1- Thiên Chúa là ưu tiên số một trong đời sống:

“Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Trong cuộc sống tôi luôn có những thứ tự ưu tiên cho từng công việc. Vậy trên hết và trước hết phải là Thiên Chúa, việc Chúa, kinh nguyện, tham dự thánh lễ, chầu thánh thể…Tôi tự hỏi nếu Chúa là ưu tiên số một, thì một ngày tôi dành bao nhiêu giờ tâm sự với Chúa. Tôi nghĩ về Chúa bao nhiều lần? Tôi có chào hỏi, cười vui với Chúa? hay có Chúa ngự trong nhà mà sao tôi vẫn bẳn gắt, không khí trong nhà vẫn ngột ngạt vắng lời ngọt ngào yêu thương?

Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, nếu tôi không dành ưu tiên cho Thiên Chúa, thì rồi Nước Trời sẽ thành thứ yếu và cuối cùng sẽ không có giờ cho ngài.

Khi vừa thức dậy, tôi cảm tạ Chúa và dâng ngày cho Chúa. Một ngày bận rộn, nhưng hình ảnh Thiên Chúa yêu thương luôn hiện diện trong tâm trí tôi, giống như hình ảnh người tình trong thời gian đang yêu… Tối trước khi đi ngủ, tôi cám ơn Chúa và dâng mình cho ngài để ngày mai, nếu tôi còn thức dậy, thì tôi cũng thức tỉnh với ngài….

Thiên Chúa luôn ở bên tôi và nhất là trong bí tích Thánh thể. (Thánh lễ và chầu Thánh thể).

2- Mến Chúa và yêu người:

Trong sách Đệ Nhị Luật, Chúa truyền cho ông Môse nói với dân chúng rằng “Hỡi Israel, hãy nghe đây. Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi.” (Đnl 6-4-5) và rằng “Người phải yêu đồng lại như chính mình” (Lv 19,18)

Mến Chúa là tuân giữ giới luật của Chúa. Không phải yêu bằng môi miệng nhưng là bằng suy gẫm và thực hành luật yêu thương của Chúa.

Luật của Chúa được tóm tắt “Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình”, yêu như chính mình và hy sinh cho người khác đó là tình yêu tự hiến (agape) Chúa ban tặng cho tôi.

Trong đại dịch vừa qua, LM bác sĩ Anton Phạm Hữu Tâm ở Houston đã tình nguyện vào nhà thương ở New York để phục vụ những bệnh nhân nhiễm Virus Corona dù ngài không bắt buộc làm thế. Nhiệm vụ bác sĩ của ngài đối với bệnh nhân rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn, ý nghĩa hơn chính là tình yêu thương ngài dành cho họ.

Khi tôi thi hành một công việc gì, thì dĩ nhiên thành quả của công việc là mục đích để đạt tới, nhưng song song với công việc, nhất thiết phải là thông điệp yêu thương. Là người tín hữu đích thực, tôi luôn mang trong mình một con tin đầy ắp yêu thương để bất cứ nơi nào, lúc nào, công việc gì, tôi cũng sẵn sàng thực hiện yêu thương.

Xem TV về một cảnh bạo loạn, với tấm lòng yêu thương tôi thầm cầu nguyện cho mọi người, cầu cho kẻ đang giận dữ cướp bóc, đập phá và cầu cho những người là nạn nhân bị hại. Gặp một người cần giúp đỡ, thay vì làm lơ thì tôi quay lại giúp đỡ trong khả năng. Không phải là giúp gì, giúp như thế nào nhưng hành động giúp đỡ cần mang tới cho họ thông điệp tình yêu, Thiên Chúa yêu thương mọi người.

3- Sống một đời sống trong Đức Kitô.

Từ khi chịu phép Rưa Tội, tôi trở nên con cái Chúa, là thành phần trong Giáo Hội Chúa. Đi đâu, làm gì tôi cũng mặc lấy Chúa Kitô, kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và hơn nữa trở thành một Kitô thứ hai. Do vậy, tư tưởng, lời nói và việc làm của tôi phải “phù hợp với những tâm tình trong Chúa Giêsu Kitô”.

Có những giây phút xa ngã, có những bước chân lỡ lầm, nhưng tôi chắc chắn rằng Chúa chẳng hề chấp tội, Chúa không ghi tên tôi vào sổ đen, nhưng ngài khuyến khích và ban ơn để tôi trở nên hoàn thiện. Chúa vẫn bên cạnh tôi, dẫn tôi từng bước trên con đường nên thánh.

4- Sống một đời sống đức tin.

Giáo hội dạy rằng đức tin là món quà Chúa ban cho tôi vô điều kiện. Tin gì? Tin Chúa Kitô xuống thế làm người để chết thay cho tôi, để cứu tôi khỏi tội lỗi vì Thiên Chúa thương yêu tôi. Tôi phải trân quý đức tin ấy, sống đức tin, gìn giữ đức tin, làm cho đức tin tăng trưởng và bền đỗ tới cùng trong đức tin. Đức tin cần có việc làm, nếu không thì chỉ là một mớ ý niệm. Việc làm ấy thể hiện qua đức ái, yêu thương anh chị em mình. Đức tin cũng cần được nâng đỡ bởi đức cậy là phó thác, tin tưởng vào Chúa và cùng đồng hành với Giáo Hội.

5- Sống một đời sống Giáo Hội.

PT của chúng ta nằm trong Giáo Hội và cùng với Giáo Hội. Tôi phải tuân theo huấn quyền của Giáo Hội và hoạt động trong phạm vi giáo luật cho phép. Trong khóa 3 ngày, tôi nhớ là chúng ta có một rollo nói về “Người Giáo Dân Trong Giáo Hội” nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân, không phải là lo thiết lập hay phát triển giáo xứ , nhưng chính là truyền giáo trong mọi lãnh vực của đời sống. Tôi không chỉ sống với Tin Mừng mà có bổn phận mang Tin Mừng đến cho mọi người (Gioan Phaolo II – Tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân #32) Không người Kitô hữu chân chính nào lại tách mình ra khỏi GH.

6- Sống các Bí Tích.

Giáo hội phân phát các bí tích và qua bí tích Thiên Chúa gặp gỡ con người. Qua bí tích tôi được nâng đỡ và nhận được sự sống thần linh. Tôi cần năng chịu các bí tích, nhất là bí tích hòa giải để không chỉ được ơn tha tội, mà còn được ơn nâng đỡ, sức mạnh để tránh dịp tội và phạm tội. Siêng năng tham dự thánh lễ, rước mình máu Thánh Chúa và viếng Thánh thể. Có những giây phút riêng tư với Chúa Giêsu…Trong bậc gia đình, tôi sống tròn trách nhiệm là chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ là tôi đang sống với bí tích hôn nhân.

7- Sống và chia sẻ chiếc kiềng ba chân: Sùng Đạo, học đạo và hành đạo.

a- Có tương quan mật thiết với Chúa qua việc sùng đạo. Không chỉ là đọc kinh mà bao gồm cả suy niệm, thinh lặng để lắng nghe đất trời, chim hát líu lo buổi bình minh, nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên mà nhận ra bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, ngắm một bông hoa muôn sắc để trầm trồ ngợi khen Đấng tạo thành…

b- Học đạo để yêu Chúa nhiều hơn, không biết thì làm sao yêu mến được. “Vô tri bất mộ” là như thế. Học đạo cũng là học hỏi về bản thân, học về Thiên Chúa và về tha nhân. Thực ra, con người luôn khao khát để biết về Thiên Chúa và về chính con người của mình. Những suy tư khắc khoải sâu thẳm đó chỉ có thể thỏa mãn qua học đạo.

c- Hành đạo: Là kết quả của sùng đạo và học đạo, là thực thi giới luật yêu thương của Thiên Chúa, là biểu cảm niềm hạnh phúc được Thiên Chúa yêu thương, là phản chiếu ánh sáng Tin Mừng từ nơi Thiên Chúa mà tôi đã lãnh nhận được. Bởi chỉ có hành đạo, thực thi yêu thương đời sống của người tín hữu mới trọn vẹn vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thày: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13-35)

8- Ba cuộc gặp gỡ căn bản:

a- Gặp gỡ Chúa Giêsu để yêu mến Thiên Chúa. Không ai biết Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu không mặc khải cho chúng ta. Cũng chẳng ai có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi nếu Chúa Con không nói cho chúng ta biết. Khởi đi từ Chúa Giêsu mà chúng ta có thể biết và yêu mến Thiên Chúa.

b- Gặp gỡ người khác để yêu mến anh em. Tôi không sống trong ốc đảo nhưng trong một cộng đồng. Sự khác biệt và độc đáo nơi mỗi người giúp tôi khám phá sự tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa, là Thiên Chúa. Khi tôi biết tôi được yêu thì tự nhiên tôi cũng muốn chia sẻ cái hương vị ngọt ngào yêu thương ấy đến với mọi người.

c- Gặp gỡ bản thân để yêu tha nhân như yêu chính mình. Tôi chỉ có thể yêu người khác khi tôi biết yêu chính tôi. Cũng như tôi không thể yêu nếu tôi không được Thiên Chúa yêu thương. Tình Chúa yêu tôi dạt dào đến nỗi làm cho tôi không thể giữ lại một mình mà muốn được chia sẻ cho người khác. Biết mình thì mới hiểu người, biết yêu mình thì mới có thể yêu người là như vậy.

Là một Cursillista, chúng ta trở thành người Kitô hữu đích thực hơn trong các sinh hoạt của chúng ta mà tài liệu gọi là Không gian di động. Đúng vậy, tham gia sinh hoạt của PT Cursillo là cơ hội để chúng ta tiếp xúc cá nhân, truyền đạt Tin Mừng qua tình bạn, thực hiện yêu thương, bác ái và mang nhiều người về cho Chúa Kitô.

Trở về "Chia Sẻ"