Tại sao Thiên Chúa lại để cho quá nhiều người chúng ta đau khổ?
Cây Thánh giá ở trung tâm trải nghiệm của con người và nó biến đổi mọi thứ.
Tom Hoopes - published on 01/24/22
Giuse Thẩm Nguyễn.
Vợ tôi, Lệ Xuân, bị đột quỵ, tê liệt nửa người bên trái và phải nằm bệnh viện từ ngày 21 tháng Mười Hai, nhưng chúng tôi sắp được về nhà, sẵn sàng để học cách sống với những giới hạn thể lý mới.
Một người bạn hỏi “Bạn có bao giờ nghĩ về ý nghĩa của biến cố bất ngờ này không? Đối với tôi thì dường như có rất nhiều người trẻ đang bị kéo ra khỏi màu xanh hy vọng bởi những căn bệnh quái ác và đau khổ.”
Tôi nghĩ đến một số ý nghĩa.
Thứ nhất, tôi nghĩ Thiên Chúa đang chứng tỏ sức mạnh thực sự của lời cầu nguyện.
Vào trước đêm Chúa giáng sinh, Lệ Xuân và tôi đang cô đơn trong bệnh viện và có điện thoại với một người bạn nói rằng “Điên quá thôi. Tôi không thể tìm được một khoảng trống nào để vào cầu nguyện cho chị.”
Chúng tôi hỏi, “Tìm một khoảng trống? Chị đang nói về cái gì vậy?
Đó là vì các bạn của chúng tôi đã tạo ra một chuỗi liên kết cầu nguyện trực tuyến và nhiều người trên khắp nước đã vào cầu nguyện cho Lệ Xuân liên tục từ đêm Giáng Sinh cho đến ngày đầu năm mới. Đó chính là khoảnh khắc tuyệt vời trong đời và tôi chỉ có thể đọc được một hay hai tên các bạn vào cầu nguyện cùng một lúc cho Lệ Xuân trước khi cô ấy bị ngập tràn trong niềm xúc động và đã khóc như đứa con nít.
Tôi nghĩ chính những lời cầu nguyện đó đã biến đổi trải nghiệm này của chúng tôi và làm cho Lệ Xuân trở nên như một ngọn đèn sáng cho mọi người trong bệnh viện.
Lệ Xuân đùa vui với mọi người đến phục vụ cô và rồi giúp họ tìm xem ai là thánh quan thày của họ. Cô ấy hỏi họ rằng “Bạn có biết là nhiều người đang luôn cầu nguyện cho bạn trên thiên đàng không? Rồi cô ấy biếu họ những bản kinh mới, như Kinh Tín Thác của Nữ Tu Faustina, dòng Sister of Life và sắp xếp Thánh lễ cho những người cô mới gặp nếu họ có người thân qua đời.
Và này, cô ấy đã giúp cho ba nhân viên y tế ở các cấp khác nhau cam kết theo dõi mục “ Đọc Kinh Thánh trong một Năm” trên mạng podcast.
Họ nói rằng cầu nguyện là để thay đổi chúng ta, chứ không phải Thiên Chúa và tôi nghĩ rằng việc cầu nguyện ở đây đã: tăng thêm sức mạnh cho những nỗ lực truyền giáo của Lệ Xuân.
Thứ hai, đau khổ làm cho chúng ta biết khiêm nhường và chúng ta cần nó.
Trong những tuần lễ bị bệnh, Lệ Xuân đã viết những dòng này trong nhật ký của mình:
“Một người bạn thân viết rằng cô không thể không nghĩ rằng cú đột quỵ này đã là một món quà giáng sinh tuyệt vời từ Thiên Chúa: một cơ hội để thực sự trở nên “bé nhỏ ”
“Tôi thích câu này quá và tôi luôn nghĩ về nó. Tối biết quả là như vậy.”
Lệ Xuân là mẹ của chín người con, là cô giáo, là thừa tác viên Lời Chúa, là người tổ chức lớp học tại nhà, là tài xế đi xe chung, là giáo lý viên dạy thêm sức và còn làm nhiều việc khác nữa.
Lệ Xuân viết rằng “Có người hỏi tôi, "Làm sao mà chị quán xuyến từng ấy việc được? Chị tuyệt vời quá.’ Thời gian trôi qua, cái cảm tính đó không tốt cho linh hồn, cho phần linh hồn tôi.”
“Đó không phải là tư thế chúng ta nên có trước mặt Thiên Chúa, Đấng có mọi thứ và tôi chỉ là không. Đấng thật vĩ đại, và tôi chằng là gì. Do vậy, sau cơn đột quỵ này, tôi cần phải có người giúp để ăn, để mặc, để đi vệ sinh… tôi tự thấy được mình quá nhỏ bé. Và đây là một điều thật sự tuyệt vời!.”
Đây là điều mà Thiên Chúa muốn để chúng ta trải nghiệm thánh giá trong cuộc đời mình- và trong đại dịch, ngài dường như muốn điều như vậy trên quy mô toàn thế giới.
Thứ ba, đau khổ dạy chúng ta biết cách yêu thương.
Thật là buồn cười. Đây là một năm có nhiều xáo trộn trong gia đình và một năm khi tôi nhận ra rằng các con tôi đã học được rất nhiều qua những sai lầm của tôi cũng như qua sự khôn ngoan của tôi với tư cách là cha mẹ.
Cơn đột quỵ này đã làm cho mọi người khá hơn, đặt lại những ưu tiên trong cuộc sống và dạy chúng tôi cách yêu thương và thúc đẩy chúng tôi khám phá ra những khả năng mà trước đây chúng ta cứ nghĩ là mình không có.
Các con tôi phải hy sinh nhiều ngày để giúp mẹ trong bệnh viện. Những đứa con lớn cùng với các cháu nội, ngoại đã phải hy sinh những ngày Giáng sinh của gia đình để đến trông nom những đứa em nhỏ hơn trong khi Lệ Xuân và tôi không có nhà.
Và tôi đã học biết rằng ơn gọi thực sự của một người chồng là yêu vợ mình theo đúng cách mà người vợ cần.
Thứ tư, Thiên chúa muốn những nhân chứng.
Có những ví dụ rất lạ lùng: Một người cha với bệnh ung thư đã mang con cái đến với đức tin, một thiếu nữ trong những ngày hấp hối đã khởi đầu cho một cuộc hiến máu lớn nhất của thành phố Kansas.
Một người bạn hỏi rằng, “Phải chăng Thiên Chúa đặt để chúng ta vào những nơi chúng ta cần để mang lại niềm hy vọng và chữa lành cho những người khác? Trong hầu hết mọi trường hợp, dường như là Thiên Chúa muốn một nhân chứng ở những nơi đó vậy.
Tôi nghĩ quả đúng như thế theo hai cách: Vâng, Thiên Chúa muốn những chứng nhân tin vui cho Chúa ở các bệnh viện – nhưng ngài cũng muốn chúng ta làm chứng cho những điều tốt lành xung quang chúng ta.
Trong thời đại có quá nhiều bực bội và hận thù, mọi thứ đã bị chính trị hóa theo phe nhóm, đảng phải, để có được sự thoải mái, thì hãy tắt hết mọi phương tiện truyền thông và đừng nhìn vào các chuyên viên y tế thực sự ngoài đời với cái nhìn nào khác ngoài lòng tốt và sự chăm sóc của họ.
Cây thánh giá đứng ở trung tâm trải nghiệm của con người, biến đổi mọi thứ và không có bằng chứng nào tốt hơn niềm vui của chúng ta khi chúng ta được dự phần vào những biến cố ấy.
Phản hồi của đọc giả:
Nên nhớ, đau khổ là một mầu nhiệm. Mà mầu nhiệm khó hiểu thì đau khổ cũng vượt trí khôn của con người.
Cầu nguyện. Khiêm nhu, Tình Yêu. Ba lý do để giải thích sự đau khổ. Thật ra có hàng nghìn lý do để giải thích nhưng mấy ai hiểu. Khó lắm. Khi đau khổ (hồn và xác), cần đức tin vững chãi. Ba lý do đó chỉ là tóm tắt nhưng mỗi người nên tìm (những) lý do cho riêng mình khi đối diện với đau khổ.
Trong tháng qua, tôi nhận được tin từ 2 gia đình, ở ngay SJ này, bố và con qua đời cách nhau chỉ vài ngày. Đang lo ma chay cho cha thì con ngã ra chết vì đột quỵ. Mẹ khóc cha chưa ráo nước mắt thì khóc con. Giòng lệ khô. Thử thách quá lớn vì không còn nước mắt. Một khi đôi mắt ráo hoảnh, vô hồn, dửng dưng... chính là lúc chắp hai tay cầu nguyện. Cầu cho bước chân đứng vững. Cầu cho trái tim vẫn còn yêu. Cầu cho thân phận mỏng dòn.
Cầu cho chị, và cầu cho cả anh Tom.
Cursillsta Trinh Nguyen