GHI LẠI BUỔI TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN ONLINE

9:30AM-5:30PM Thứ Bẩy 09/01/2021

Tĩnh tâm thường niên ngày Thứ Bẩy 09 tháng 01 năm 2021.

Sáng Thứ Bẩy ngày 9 tháng 1 năm 2021, PT Cursillo Việt Nam San Jose đã tổ chức buổi tĩnh tâm thường niên Online. Đúng 9:30AM, tất cả mọi người đã có mặt đầy đủ. Chúng ta hân hạnh được đón tiếp cha Linh Hướng PT Andrew Nguyễn Vũ và cha giảng thuyết Joseph Vũ Đảo và sự tham gia của trên 60 anh chị em.

Mở đầu là kinh Chúa Thánh Thần, và tiếp theo là lời giới thiệu và chào mừng của anh Chủ Tịch PT Phan Hoàng Vương. Cha Linh Hướng Andrew chào mừng cha Joseph Vũ Đảo và ngỏ lời chào mừng anh chị em tham dự.

Buổi tĩnh tâm gồm 2 đề tài, sau mỗi đề tài là phần hội thảo của các nhóm nhỏ (có 8 nhóm). Sau phần hội thảo là phần câu hỏi & trả lời và tổng kết.

9:30 am Đề tài 1: Hãy Hoán Cải và Tin vào Phúc Âm (Mc 1:15) Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Khi tham dự khóa 3 ngày, mỗi người chúng ta đều cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho riêng mình, từ nhận thức đó dẫn chúng ta đến việc ăn năn sám hối, bỏ con đường cũ, bước đi trên con đường ánh sáng, tràn đầy yêu thương và hy vọng.”

Sau ngày mãn khóa, có người bắt đầu lẫn chuỗi mân côi, tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Chúng ta quả thật đổi mới, mang niềm vui đến cho mọi người chung quanh, cho gia đình và cho chính bản thân mình.

Nhưng niềm vui có Chúa không kéo dài, thời gian bắt đầu làm nguội dần lòng nhiêt thành, làm rã rời ý chí hối cải và chúng ta dường như lại mang tên Vũ như Cẩn (Vẫn như Cũ).

Trên cõi dương gian này, chỉ có Chúa là không thay đổi, còn lại tất cả sẽ thay đổi theo thời gian. Con người chúng ta dĩ nhiên cũng không miễn trừ, có điều nếu chúng ta không thay đổi nên tốt hơn thì sẽ tha hóa để trở nên xấu hơn. Cho nên sám hối là một qua trình liên tục tiệm tiến không được ngừng nghỉ. Nhiều khi chúng ta nhầm tưởng sám hối một lần là đủ, không phải thế, nhưng là một sự liên tục. Sám hối để biết mình và để thăng tiếng trong tình yêu của Chúa, thể hiện qua đời sống hằng ngày.

Một câu hỏi được đặt ra là làm sao phân biệt được chúng ta là người Công Giáo với người ngoại khác? Phải chăng là qua việc chúng ta đi nhà thờ, lần chuỗi mân côi hay là mặc áo dòng như các tu sĩ? Nếu chỉ có thế thì thật đáng buồn, chỉ là bề ngoài thôi. Như Chúa đã nói “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Lối sống của chúng ta phải phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô.

Chúng ta đã từng nghe và cũng đã từng nói, từng hát rằng “ Chúa là tất cả của đời con” hay “ Chúa là cùng đích của đời con”. Nếu Chúa đã là tất cả mà sao chúng ta còn mãi đi tìm cái gì khác không thuộc về Chúa. Nếu Chúa là tất cả sao chúng ta không đặt Chúa làm ưu tiên số một trong cuộc đời mình. Chúa là tất cả mà sao tôi vẫn lo lắng trước bao biến loạn của cuộc sống? Chúng ta quên rằng “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.”(Tv 22)

Phải nhìn lại xem chúng ta có thực sự tin vào Chúa và liên tục sám hối không?

Dĩ nhiên chúng ta không nên thánh trong một ngày, và cũng không sám hối, từ bỏ những gì thuộc về thế gian này có một lần. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ hết những gì thuộc về thế gian này, nhưng là cống gắng từng bước một. Ngay cả ông Da-Kêu khi gặp được Chúa. Trong niềm vui, “Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19, 1-10). Gặp Chúa rồi sao ông Da-Kêu không bỏ hết của cải mà chỉ cho người nghèo phân nửa gia tài. Hôm nay ông cho một nửa và rồi theo thời gian ông sẽ cho hết.

Đừng cái gì cũng đẩy cho Chúa, nhất là câu nói “Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị”. Chúng ta đã làm gì đáng để Chúa trả công. Đây là loại câu sáo ngữ, không có nghĩa nhưng dường như đã đi vào văn hóa người Việt mình, thành thử từ cha cụ đến giáo dân, cứ nói mà chẳng ý thức là mình nói gì. Chúng nên bỏ câu nói này đi.


























2:00PM Đề tài 2: Hãy Học Cùng Thày (Mt 11:29) “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường”

Chúng ta là những người tin theo Chúa Kitô, thì không gì làm cho chúng ta trở nên giống Thày mình hơn là “học cùng Thày” và bài học ấy là “hiền lành và khiêm nhường”.

Người hiền lành là người tốt bụng, ngọt ngào, dịu dàng, lịch sự, không có bạo lực. Theo ĐGH Phanxicô, thì người hiền lành là người có “sự nhân từ và khoan dung của Chúa Kitô” (2 Cr 10,1)

Các nhà tu đức thường nói: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”, là cội nguồn của những điều tốt đẹp. Nếu tôi sống khiêm nhường thì tôi sẽ có mọi đức tính tốt lành khác.

Lão tử nói “Sông và biển mênh mông sâu thẳm là do chúng ở vị trí thấp nhất để tiếp nhận lấy nước từ những khe suối nhỏ bé”

Trong dân gian có câu, “Kẻ nào giàu có nhân đức mà thiếu đức Khiêm nhường thì cũng giống như người cầm nắm cát đứng trước gió”.

Thánh Giuse là mẫu gương của đức khiêm nhường. Ngài không hề lên án ai. Ngài tuân theo Ý Chúa. Ngài khiêm tốn với mọi người. Ngài biết lắng nghe những tâm sự của người khác và giữ kín trong lòng. Ngài biết an ủi đỡ nâng những người có gánh nặng muốn chia sẻ với Ngài. Thánh Giuse khiêm nhường đối với Chúa, đối với tha nhân. Ngài càng rất khiêm tốn đối với chính mình.

- Khi thấy vợ mình mang thai, Thánh Giuse đã không tố cáo để vợ mình bị ném đá cho đến chết theo luật Do Thái lúc bấy giờ.

- Khi thấy con mình phải sinh ra trong hang lừa, không mảnh vải che thân, Thánh Giuse đã không than trời trách đất, nhưng âm thầm chấp nhận.

- Khi thấy các Thiên Thần ca hát chúc tụng và các vua phương đông đến bái thờ con mình, Thánh Giuse đã không kiêu căng và cậy thế về con mình, về gia đình mình.

- Khi biết con mình bị tìm giết, Thánh Giuse đã trốn chạy theo như Thiên Thần mách bảo chứ không oán trách Thiên Chúa.

- Thánh Giuse phục vụ Chúa con và Mẹ Maria một cách âm thầm lặng lẽ đến nỗi Phúc Âm không có một trích được một lời nói nào của Ngài.


























Người khiêm nhường biết mình và biết người khác, biết giới hạn của mình và tôn trọng người khác.

Tôn trọng người khác không phải là khúm núm, nịnh bợ, sợ sệt nhưng là tôn trọng chính mình.

Người khiêm nhường không tự mãn.

Tự mãn là tự tôn, cho mình hơn người khác. Tự mãn phát sinh thói khoe khoang, nóng giận, ghen tị, độc ác, hạ nhục người khác để bộc lộ bản thân.

Tự nhiên tôi thấy ghét cái gia đình kia vì họ luôn đi xe đẹp hơn, con cái họ thành đạt hơn con tôi…dù họ chẳng làm gì tôi cả, đó là thói ghen tị. Có khi lòng khiêm nhường chỉ có trong nhà thờ, ra tới bãi đậu xe là biến mất.

Không ai trên đời lại ưa thích người khoe khoang, nhưng điều trớ trêu là lại rất có nhiều người khoe khoang che lấp bằng tính khiêm nhường giả tạo.

Nóng giận là cơn điên, cần phải dập tắt càng sớm càng tốt nhưng chỉ có mình mới dập tắt được cơn giận của chính mình. Chỉ có người cho rằng mình có quyền hơn người khác mới nổi giận với kẻ dưới mình. Không bao giờ người làm công lại nóng giận với ông chủ hay nhân viên lại nóng giận với xếp của mình. Khi nổi cơn giận với ai vì bất cứ lý do gì thì mình đã coi người ấy kém hơn mình.

Người ta bảo chồng nóng thì vợ nhịn cho nhà yên cửa ấm. Bà vợ nhịn, nhưng sẽ tìm cơ hội thuận lợi thỏ thẻ bên chồng để sự thật được sáng tỏ, chứ không phải nhịn là chờ cơ hội để phản công lại.

Khiêm nhường là biết nhịn nhục. Người ta bảo “Một sự nhịn là chín sự lành”, nhưng lại có người nói chịu nhịn thì được chứ không chịu nhục. Thế mới hay, những người lớn tuổi thì nhục nhiều là vì biết nhịn.

Nếu mình nhịn mà kẻ khác cứ tấn cống thì phải làm sao? Nhịn không phải là đầu hàng, nhưng phải tôn trọng sự thật, dám nói lên và đứng về phía sự thật. Nhưng nói như thế nào, trong hoàn cảnh nào lại là một vấn đề khác, tùy theo sự khôn ngoan Chúa ban cho mỗi người.

Kiêu ngạo là quay mặt xa Thiên Chúa. Khi quay lưng lại với Thiên Chúa là Nguồn Sáng, tôi chỉ thấy cái bóng đen của tôi, cái bản ngã ích kỷ của tôi.

Kiêu ngạo là nguyên nhân của mọi đỗ vỡ. Thiên thần kiêu ngạo bị phạt xuống hỏa ngục. Ông tổ loài người Adam và Ave vì tội kiêu ngạo mới bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Kiêu ngạo cũng là căn bệnh ham muốn danh vọng thái quá. Kẻ kiêu ngạo có khi trong chốn riêng tư, lại là kẻ luồn cúi, che đậy, gian dối để đạt danh vọng, đạt được chức vị mà với khả năng riêng thì không thể nào đạt được.















Tóm lại, lý tưởng của người Cursillista là Chúa Kitô. Mục đích của hành trình dương thế này là rèn luyện, chuẩn bị tốt đẹp chờ ngày về với Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng ta vì Người. Chúng ta hãy cố gắng sống cho xứng đáng với ơn gọi của mình. Hãy bắt chước và học cùng Thày. Đừng để cứ sống một lối sống vô định, vật vã với khổ đau của kiếp làm người.

Xin kể với anh chị em một câu chuyện vui kết thúc. Có người kia thấy một anh nông dân đang cuốc đất, mồ hôi nhễ nhãi mới hỏi anh nông dân rằng “Anh làm gì mà cuốc đất cả ngày vất vả thế.” Anh nông dân vừa cuốc vừa trả lời “để có miếng mà ăn”. Người kia hỏi tiếp, “Có miếng ăn để làm gì? Anh nông dân trả lời, “thì để cuốc đất chứ làm gì nữa.” Đời sống không lý tưởng, không có mục đích là thế đó.

Buổi tĩnh tâm kết thúc bằng phép lành toàn xá của cha giảng phòng. Sau đó là phần chầu Thánh Thể Online. Mọi người ra khỏi Zoom vào lúc 5:30PM, kết thúc một ngày thứ Bảy tĩnh tâm thật tuyệt vời.

Tạ ơn Chúa.

Giuse Thẩm Nguyễn

Trường Lãnh Đạo/PT Cursillo VNSJ

Trở về "Sinh Hoạt"