BẢN TÓM LƯỢC SINH HOẠT TRƯỜNG LÃNH ĐẠO ONLINE
7:00PM Chúa Nhật 25/04/2021
7:00PM Chúa Nhật 25/04/2021
Kính gởi quý cha Linh Hướng, quý tu sĩ và quý anh chị,
Buổi sinh hoạt TLĐ hôm nay có sự tham dự của khoảng 38 anh chị em.
Buổi sinh hoạt gồm hai phần.
I-Phần Tín Lý: Bài chia sẻ của cha Giuse Nguyễn Văn Thư về chủ đề Tái Sinh Trong Chúa Phục Sinh.
Tôi đến đây với anh chị em Cursillo không là để dạy điều gì, nhưng là để chia sẻ với quý anh chị vài suy tư vì tôi cũng là một Cursillista.
Trong cuốn sách mang tựa đề “Cha Tôi” của cha Phaolo Phan văn Hiền, có kể một câu chuyện về Cursillo như thế này: Khi Đức Hồng Ý Nguyễn Văn Thuận có dịp thăm Los Angeles, một số anh chị em đại diên PT Cursillo đến khoe với ĐHY rằng “PT của chúng con hiên nay rất thành công, các thành viên có mặt trong hầu hết các lãnh vực hoạt động tông đồ của các hội đồng mục vụ và các hội đoàn trong các giáo xứ, nói chung là phát triển đến mức rất mạnh…” Nghe xong thì ĐHY đã xua tay nói rằng “ như vậy là sai rồi, sai lắm rồi. PT tưởng mình đang mạnh là sai rồi, thay vì phải hoạt động âm thầm trong mọi lãnh vực thì chúng ta lại làm rùm beng, khua chiêng trống như vậy thì chẳng làm đẹp làm Chúa đâu, Chúa chẳng vui và chúc phúc khi chúng ta khoe khoang, tự hãnh diện như vậy đâu.
Nhớ lại những năm phụ trách giáo xứ VN, với nhiều cha phó và nhiều hội đoàn, tôi cũng luôn cầu xin mỗi tối rằng nếu Chúa thấy con tưởng mình là ngon, có thế giá, có uy quyền thì xin Chúa đập con xuống để con tỉnh ra, để con biết là con chẳng là gì. Xin Chúa nâng đỡ những yếu đuối những bất toàn của con.
Cho nên trong bài chia sẻ hôm nay, tôi đề nghị chúng ta mỗi người hãy khiêm nhường mà nhận ra mình chẳng có tài cán gì để mà huyên hoang, chẳng có công trạng gì để mà kể công, chẳng có gì để mà tự đắc.
Đừng bao giờ nghĩ rằng Cursillo là nhất mà coi thường những hội đoàn khác, cho rằng với PT này mình sẽ gần Chúa hơn, đạo đức hơn… đây là loại cám dỗ mà nhiều người mắc phải, làm cho con người kiêu căng cho mình là nhất, là giỏi.
Thói đời không ai thích người kiêu căng. Trong đạo cũng thế, kiêu căng là đầu mối của tôi tổ tông vì muốn bằng Thiên Chúa. Kiêu căng sinh ra ghen ghét đi đến chỗ làm hại nhau. Trong sách Sáng Thế, Cain và Abel là hai người con đầu tiên của Adong và Ave. Chỉ vì ghen ghét mà Cain đã giết người em ruột của mình.
Thời xưa khi mà tiên tri Giona nghe lời Chúa đến báo cho dân thành Ni-vi-vê rằng thành này sẽ bị tiêu hủy trong vòng 40 ngày, nếu dân không ăn năm sám hối. Thế là từ vua quan, dân chúng và cả thú vật cũng nhịn ăn, mặc áo thô, ngồi trên tro, bỏ đường gian ác và hành vi bạo lực của họ. Tháy họ sám hối ăn năn, Thiên Chúa đã xót thương và không phạt họ nữa. Nhưng tiên tri Giona lại bực mình với Chúa vì Chúa đã không phạt thành thì làm cho ông mất mặt. Chúa thương xót thứ tha mà con người chúng ta lại không thương xót tha thứ cho nhau.
Trong Chúa Nhật lễ Lòng Thương xót vừa qua, chúng ta tổ chức thật linh đình, long trọng và tôn vinh lòng Thương Xót Chúa. Đành rằng tất cả chúng ta đều cần đến lòng Thương xót của Chúa, nhưng chúng ta quá chú ý về việc van xin mà không học và thực hành lòng thương xót của Chúa. Có khi nào nghĩ là mình cũng phải có lòng thương xót đối với anh chị em mình không? Làm sao chúng ta nhận được lòng thương xót của Chúa trong khi chúng ta gây hận thù, ghen ghét, khốn khổ cho anh chị em của mình.
Vì thế chúng ta phải luôn tỉnh thức cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, để khỏi tư cao tự đại và nhất là biết mình có làm được điều gì tốt đẹp cũng là bởi ơn Chúa, chứ không phải cậy vào sức của riêng mình.Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở các môn để là “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,34-36) bởi chúng ta phải chiến đấu, không những chỉ với Satan, mà còn với chính mình và những quyến rũ của thế gian mà chúng ta thường gọi là “ ba thù”. Đời sống của người muốn theo Chúa thì ví như một thành mà bị “thù trong, giặc ngoài” tấn công vậy, chỉ dựa vào sức mình thì chỉ từ chết đến chết mà thôi.
PT Cursillo đã cho chúng ta nhiều bài học để trở thành người Kitô hữu đích thực. Nhưng trên hết là cần phải học để hiểu về Chúa như Thánh Phaolô dạy “điều quan trọng nhất trong đời người Kitô hữu là học cho biết đức Kitô là ai để yêu mến và bước theo ngài.” Cái học đó liên tục, không bao giờ là hết, không bao giờ cùng.
- Biết Đức Kito: Hiểu biết Đức Kitô là điều quí giá hơn hết mọi sự đến nỗi Thánh Phaolo đã viết rằng “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 8-9)
- Khi biết Chúa chúng ta mới yêu mến Ngài bởi vô tri bất mộ, không biết thì làm sao yêu mến được. Yêu mến và đến với Chúa là một ân sủng Chúa ban chứ không phải ý của riêng mình. Chúa phán “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 43).” Vì thế đừng bao giờ kiêu căng về lòng đạo đức của mình.
- Bước theo Chúa là đem Lời Chúa thực hành trong đời sống hằng ngày. Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật rằng: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, ngay trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành”. Chính vì thế, chúng ta cần phải học, học đi học lại, học mãi dựa trên nền tảng hiểu biết và yêu mến Đức Kitô.
Một nhà bác học của thế kỷ 20 là Albert Einstein đã tuyên bố như thế này “Có 2 thứ vô hạn là vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Nhưng tôi chưa chắc lắm về điều thứ nhất.” Nếu chúng ta có biết được một chút, thì còn ngàn vạn điều khác mà chúng ta không biết. Vì thế càng học với Chúa, chúng ta càng thấy mình dốt. Biết mình dốt để tiếp tục tìm học.
Thánh Phaolô chấp nhận mình là dại khờ khi đã bỏ phái Pharisiêu mà theo Chúa. Ngài rất hãnh diện về cái dại khờ ấy. Theo cái nhìn của thế gian, Chúa đã dại khờ trước. Thử hỏi có ai trong chúng ta tự nhận mình là dại khờ đâu, dường như ai cũng cho mình là khôn ngoan, chứng tỏ mình khôn ngoan hơn người khác trong mọi lãnh vực và lên mặt dạy người khác.
Trong mùa chay mừng Chúa phục sinh, chúng ta không chỉ ăn chay đánh tội mà còn phải học hỏi để trở nên giống Chúa Kitô, ôm ấp và cùng vác thánh giá với Chúa.
Trong cựu ước, chúng ta biết là Vua Salomon đã không xin Chúa, sống lâu, giàu sang, sức khỏe, quyền uy, nhưng chỉ xin được khôn ngoan để làm theo ý Chúa. Ông đã được Chúa hài lòng, không những cho ông sự khôn ngoan và còn ban cho ông nhiều hơn cả những gì ông không xin.
Tiến sĩ Hội Thánh là Thomas Aquinas, một nhà thần học Công giáo cũng thế, thánh nhân đã không xin Chúa điều gì khác về vật chất, nhưng chỉ xin Chúa nên chính là phần thưởng cho đời ngài.
Cho nên phải học và xin ơn khôn ngoan. Học hoài học mãi không khi nào cho đủ được.
Cái khôn ngoan của Chúa khi chọn thập giá để cứu chuộc trần gian thì Thánh Phaolô bảo là “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1 Cr 1,22-25)
Cái khôn ngoan thập giá là chấp nhận cái mà người đời cho là khờ dại và chấp nhận đau khổ. Nhân đây chúng ta thấy là khi Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với bà Thánh Barnadette hay ở Fatima với 3 trẻ, Đức Mẹ đã khuyên lần hạt Mân Côi, hứa cho lên Thiên Đàng, tiết lộ nhiều điều bí mật nhưng luôn luôn báo trước là những người theo Mẹ sẽ gặp đau khổ nhiều. Ơn khôn ngoan luôn gắn liền với thập giá của Chúa Kitô. Ai không chấp nhận đau khổ để vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ của Chúa được.
Trước khi Chúa về trời, Chúa đã gặp các tông đồ để căn dặn nhiều điều nhưng các tông đồ lúc ấy thật là ngơ ngác, chẳng biết làm gì vì cho rằng Chúa về trời thì họ trở thành mồ côi rồi. Lúc ấy Chúa Thánh Thần hiện ra và cho biết là các ông hãy về nhà để đợi ơn Chúa Thánh thần, các ông sẽ được thần linh Chúa ban ơn soi sáng, hiểu biết và can đảm để loan báo Tin Mừng.
Ngẫm lại chúng ta cũng thế, giáo dân và cả linh mục, chúng ta đã trở nên giống Chúa được bao nhiêu phần trăm rồi, hay vẫn còn ngơ ngác chẳng biết làm gì? Nhiều khi chúng ta làm được một điều tốt cho Giáo Hội thì chúng ta lại làm hại Giáo Hội gấp hai lần bởi sự kiêu căng của chúng ta, cho rằng mình ngon lành hơn những người khác. Chúng ta phải cầu xin ơn Chúa thánh thần để biết khiêm nhường và thực hành theo ý Chúa, chứ không phải theo ý mình nhé.
Các nước ở Âu Châu đã một thời thịnh vượng với nhiều phát minh kỹ thuật, là cái nôi của đạo Công Giáo. Thay vì đem sự văn minh, sự giàu có để đi giúp các nước nghèo thì họ lại xâm chiếm các nước khác, biến các nước thành thuộc địa. Họ kiêu hãnh về sự phát triển của họ và đã làm trái ý Thiên Chúa. Cho đến bây giờ thì kết quả là có đến 2/3 dân chúng Âu Châu bỏ đạo, nhà thờ to đẹp mà vắng người.
Nếu không có ơn Chúa, tưởng mình là ngon lành thì cũng như các nước Âu Châu thôi. Giống như mồ mả bên ngoài sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong là hôi thối.
Các linh mục chúng tôi, mỗi lần đi cấm phòng đều được nhắc nhở là mình có sống đúng với những gì mình giảng không, có giảng lời Chúa hay lại giảng lời của mình, ý của mình?
Trong Cursillo chúng ta có một câu nói rất hay là “một tay nắm Chúa, một tay nắm anh em”. Chúng ta có thực sự nắm tay nhau không, hay là khi nắm, khi buông, chỉ nắm tay với những người chúng ta thích mà làm lơ với những anh chị em khác?
Kết luận: Mỗi ngày chúng ta phải tái sinh để trở nên giống Chúa hơn. Đừng tưởng là mình đạo đức, sống đạo sáng lễ chiều kinh là đủ rồi đâu. Đừng kiêu căng tự mãn và rồi coi thường người khác. Đức ái là nhân đức cao trọng nhất, nhưng để có đức ái là phải biết tha thứ. Đây là một việc làm rất khó. Vì thế, chúng ta cần ơn Chúa hằng phút hằng giây để có thể mến Chúa yêu người. Chỉ trông cậy vào sức mình, con người không làm được điều gì tốt lành cả.
Nếu quý anh chị muốn đặt câu hỏi, có thể email cho cha Thư at jvanthu@gmail.com
II. Phần sinh hoạt: Thảo luận về Khối Tiền
Tài liệu tham khảo về Tiền Cursillo _ Video.(Xin bấm vào đây)
Tài liệu tham khảo về Tiền Cursillo _ Powerpoint.(Xin bấm vào đây)
Thảo luận:
Trước đây tôi vẫn hiểu đi khóa 3 ngày về là xong. Nhưng khi được học hỏi thì thấy rằng đời sống của người Cursillista một vòng tròn khép kín. Sau khi dự Khóa 3 ngày, về nhà tôi bắt đầu sống ngày Thứ Tư, cách sống của tôi ở giai đoạn Khối Hậu làm cho người khác cảm thấy muốn tham dự một khóa Cursillo, tức là tôi chuẩn bị cùng với Khối Tiền lo cho khóa 3 ngày, sau khóa người ấy trở về và lại tiếp tục sống chứng nhân. Quả thực đời sống chứng nhân rất quan trọng trong giai đoạn tiền Cursillo nói riêng và cho tất cả mọi Cursillita nói chung.
Nhờ học hỏi qua TLĐ trong mùa Covid mà tôi cũng hiểu thêm rất nhiều về PT Cursillo của chúng ta.
Sống chứng nhân rất quan trọng trong đời sống của người Cursillista. Chúng ta mỗi người nên tự hỏi, một ngày sống của mình có nên chứng nhân cho Chúa không? Đặt ra câu hỏi để cố gắng sông sao để có thể là chứng nhân cho Chúa trong mỗi giơ, mỗi ngày, mỗi tháng...
Tôi có một đứa cháu khi sinh ra cháu thiếu một cơ phận. Lúc đầu thì tôi trách Chúa sao Chúa không cho cháu có đầy đủ như mọi người. Nhưng sau này tôi hiểu việc gì cũng có mục đích của nó miễn là mình vâng theo ý Chúa và chấp nhận để vác thập giá theo Chúa. Đó cũng là đời sống chứng nhân vậy.
Sau phần thông báo của anh Vương là phần chầu Thánh Thể Online.Buổi sinh hoạt bế mạc lúc 9:05pm.
Giuse Thẩm Nguyễn
Trường Lãnh Đạo/PT Cursillo VNSJ