BẢN TÓM LƯỢC SINH HOẠT TRƯỜNG LÃNH ĐẠO ONLINE
7:00PM Chúa Nhật 13/02/2022
7:00PM Chúa Nhật 13/02/2022
Kính gởi quý cha Linh Hướng, quý tu sĩ và quý anh chị,
Buổi sinh hoạt có sự hiện diện của khoảng 34 quý anh chị. Buổi sinh hoạt có hai phần: Phần tín lý và phần sinh hoạt.
Phần tín lý do cha Giuse Chữ Ngô, dòng Tên, trình bày về đề tài "Thày đây, đừng sợ", (Phúc âm Mt 14:22-33)
I- Đây là bài tóm tắt
- Các tông đồ vừa mới chứng kiến Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều vào buổi chiều, thế mà khi thấy Chúa đi trên biển trong cơn giông bão thì lại tưởng là ma, không tin đó là Chúa.
- Ông Phêrô xin được đi trên nước. Tại sao không xin cái gì khác chẳng hạn như xin cho sóng êm, biển lặng , xin cho thuyền về tới bến mà lại xin được đi trên nước. Nếu có suy nghĩ một chút thì thánh Phêrô sẽ không dám xin như vậy.
- Thánh Phêrô đã mang chính mạng sống mình ra mà đánh cuộc. Cuối cùng thì sau những giây phút ngập ngừng, nhút nhát ông cũng đã ra khỏi thuyền. Nên nhớ là biển vào ban đêm đáng sợ lắm, tứ phía đen ngòm, ai đã từng đi vượt biên thì biết là biển vào đêm thì đáng sợ thế nào, lại còn gió bão nữa.
- Thánh Phêrô đã đi được vài bước, nhưng rồi sóng lại ập tới, ông quên là đang bước trên nước vì có Chúa cho phép, ông hoảng sợ và bắt đầu chìm và rồi Chúa đưa tay ra nắm lấy ông. Cả hai lên thuyền và biển yên sóng lặng.
- Sóng biển chính là những sóng đời, những chông gai, trở ngại trong cuộc sống. Chúa hứa là sẽ ở với chúng ta đến tận thế. Khi có Chúa, nhờ vào ơn Chúa chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại, khi chúng ta quên Chúa, tưởng mình ngon là lúc chúng ta bị chìm.
- Để ý chi tiết này, Chúa nắm tay chúng ta chứ không phải chúng ta nắm tay Chúa. Nếu chúng ta nắm tay Chúa, chúng ta sẽ rất dễ buông ra vì những lôi kéo, hấp dẫn khác của thế gian. Chúa nắm tay chúng ta là Chúa hướng dẫn và làm chủ cuộc đời ta. Còn ta nắm tay Chúa, nghĩa là ta tự sức mình, ta muốn dẫn đường.
- Có một sơ già đã nói đùa như thế này: Hồi còn trẻ Sơ xin được nắm tay Chúa, nhưng nắm mãi mà không được, nắm trượt hoài. Bây giờ tuổi già nghĩ lại thì thấy rõ là trong hành trình bao nhiêu năm đời mình, chính Chúa đã nắm tay Sơ và dẫn Sơ vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Bây giờ Sơ thưa với Chúa rằng, hồi xưa con xin vậy, nhưng Chúa đã không ban cho con vì con ngu dại quá, bây giờ con xin Chúa đừng ban cho con ơn xin ấy Chúa nhé, mà xin Chúa cứ tiếp tục nắm tay con, dẫn con đi đến cuối đoạn đường và tới đích thực là nước Trời.
- Nói về chìm tức là nói về thất bại, nhưng văn chương việt nam đã từng nói “thất bại là mẹ thành công đấy sao”. Thất bại là một bước ta lấy kinh nghiệm dẫn đến thành công.
- Chìm cũng là nói về những biến cố mà ta không ngờ tới, mà thường ta cho là đại họa. Vâng quả là đại họa, nhưng nếu có Chúa và để ngài nắm tay thì đại họa ấy trở thành cơ hội để có một biến cố khác. Ai mà biết được ý Chúa thế nào.
- Trong tiệc cưới Canna khi hết rượu thì thật là đại họa. Nên nhớ là dân Do Thái ăn cưới chủ yếu là uống rượu, mà không phải chỉ uống vào tiệc chiều Thứ Bảy như chúng ta đâu, tiệc cưới kéo dài cả tuần, việc thiếu rượu sẽ gây hậu quả, tiếng xấu như thế nào. Chúa đã biến đại họa thành cơ hội để Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên, làm cho tiệc cưới có rượu ngon, tới 36 chum rượu.
- Biến cố năm 1975 là đại họa chứ còn gì nữa. Nhưng qua biến cố ấy, bao nhiêu đổi thay, người Việt ở khắp nơi trên thế giới…chúng ta đang hiện diện nơi đất nước văn minh nhất thế giới này.
- Đừng sợ. Nếu chúng ta nói là không sợ thì có lẽ là nói dóc, nhưng sợ khác với lo lắng quá rồi đâm ra tê liệt. Sợ để mình cẩn thận hơn, để biết lo liệu và tin vào Chúa, để thấy Chúa đang ở với tôi trong cái nỗi sợ này, trong hoàn cảnh này. Sợ khác với lo lắng, vì lo lắng là việc của Chúa. Hãy làm mọi việc một cách tốt nhất có thể, còn lại con xin phó tác vào Chúa để Chúa định liệu cho con.
- Đường lối của Chúa thì không ai hiểu được, vượt trên sự tính toán của con người. Trong Phúc Âm Chúa chọn Phêrô làm đầu, chọn ông Matthew, người thu thuế làm tông đồ, rồi cả việc chọn Juda Icariot, bộ Chúa không biết trước là ông này sẽ phản bội Chúa hay sao?
- Khi cha nói về việc Chúa cầm tay thánh Phêrô, thì con liên tưởng tới câu “một tay nắm Chúa, một tay nắm anh chị em”. Nắm tay Chúa không phải là kiểu Chúa nắm tay Phêrô để cứu, để dẫn đường, nhưng nắm Chúa trong trường hợp này là bám víu, cậy dựa vào Chúa và nắm tay anh chị em cũng là biết cậy dựa vào anh chị em.
- Biển trong Kinh Thánh là chỉ về quyền lực của sự dữ, của thế gian, nhưng núi không đối ngược với biển. Nếu cho núi là thánh thiêng thì chỉ là quan niệm của người Do Thái, họ có tới 7 núi lớn như Tabo, Sinai… và Chúa của họ ở trên đỉnh núi, dân chúng ở dưới đồng bằng không gặp Chúa được.
- Chúng ta biết Chúa sinh ra trong chuồng bò, là nơi tồi tệ nhất nên Người có thể làm bạn với bất cứ ai, kể cả những người nghèo hèn nhất. Chúa hạ mình xuống để chúng ta có thể gặp Chúa.
- Khi các tông đồ vừa chứng kiến phép lạ, thì Chúa đã bảo các ông xuống thuyền qua bờ bên kia vì Chúa không muốn người ta tôn ngài làm Vua, đồng thời Chúa cũng biết các môn đệ của mình, họ theo Chúa đấy nhưng ai cũng có ý đồ riêng, lòng họ còn ham mê quyền lực, chức tước lắm. Bởi thế mới có việc hai tông đồ xin ngồi bên hữu tả của Chúa và những người khác thì bực tức.
- Chúng ta cần đời sống cộng đoàn, nối kết với nhau, đọc kinh trong gia đình… là cách thức duy trì đức tin, giúp ta vượt qua những biến động của cuộc đời. Văn hóa Việt Nam và đức tin hòa nhập với nhau và làm cho đời sống đạo triển nở. Sống trong xứ này, đừng sống một mình, đừng sống theo chủ nghĩa cá nhân nó sẽ làm nguội lạnh đức tin của chúng ta. Cha Giuse đã kết thúc phần trình bày với việc ban phép lành cho toàn thể anh chị em tham dự.
II- Bàn về tài liệu Khóa 3 ngày Step by step
Quý anh chị đã đọc và góp ý. Trường lãnh đạo ghi nhận và sẽ tiếp tục bàn thảo về đề tài trong lần sinh hoạt tới tại Trung Tâm Công Giáo San Jose, Feb 27, 2022 lúc 9:00am. Sau phần thảo luận là phần chầu Thánh Thể.
Buổi sinh hoạt kết thúc lúc 9:15PM.
Giuse Thẩm Nguyễn
TLĐ/PT Cursillo VNSJ